Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Việt Nam “đối thoại mỹ thuật” với Đức

.

          (Petrotimes) - Tổng lãnh sự quán Đức tổ chức giao lưu giữa những họa sĩ của Đức và Việt Nam với mong muốn gia tăng sự hiện diện của nghệ sĩ Đức tại Việt Nam và thúc đẩy đối thoại văn hóa giữa hai quốc gia.

          Tháng 6/2012 được xem như tháng mỹ thuật ở TP HCM, nhiều cuộc triển lãm diễn ra với sự tham gia của các họa sĩ nước ngoài. Triển lãm ở quy mô lớn có “Sự hiện diện của nữ họa sĩ trong màu sắc lần thứ 10” của Hội nữ Họa sĩ quốc tế (INWAC), có sự tham gia của hơn 200 nữ họa sĩ, trong đó Hertha Miessner, Traude Linhardt và Susanne Wackerbauer (các họa sĩ trong triển lãm “Đối thoại mỹ thuật” ở Việt Nam) là những đại diện duy nhất của mỹ thuật Đức.

Bức tranh sơn dầu "Sống và chết" của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm

          Cuộc giao lưu giữa các dòng chảy văn hóa, các giá trị và quá trình sáng tạo tại triển lãm “Từ Đức tới Việt Nam – Đối thoại mỹ thuật” cho thấy những quan điểm và phong cách mỹ thuật của từng cá nhân. Những giá trị tư tưởng làm nền tảng của từng nền văn hóa riêng biệt được bộc lộ rõ nét khi được đặt cạnh nhau và mở ra một cuộc đối thoại trong nghệ thuật.

          Triển lãm trưng bày 30 tác phẩm hội họa – lụa, màu nước, sơn dầu, Collage nhiếp ảnh kỹ thuật số và khoảng 11 tác phẩm điêu khắc. Mỗi tác phẩm đều có ngôn ngữ và cách biểu đạt riêng biệt tạo nên những cảm xúc và suy tưởng khác nhau. Một ngôn ngữ chung, ngôn ngữ của hội họa và nghệ thuật, xuất phát từ nhiều quan điểm riêng, có thể được phát triển một cách đa dạng và sống động.

"Cao và thấp"

           “Đối thoại mỹ thuật” mang ý nghĩa của sự xếp đặt cạnh nhau, không chỉ về kỹ thuật, chất liệu khác nhau giữa các nghệ sĩ Đức và Việt Nam, mà còn cho thấy sự khác biệt trong hình thái tiếp cận vấn đề của phương Tây, họ sử dụng tất cả kỹ thuật, chất liệu sẵn có và chất liệu mới vào tác phẩm nhằm tạo ra một ngôn ngữ diễn đạt mới. Và tư duy phương Đông về sự khám phá thế giới nội tâm chủ thể, cũng như những đối đầu với thế giới bên ngoài. Một quá trình của những giá trị tư tưởng chiếm vị trí cao nhất, thông qua nghệ thuật là công cụ biểu đạt quan điểm cá nhân và thẩm mỹ.

          Nội dung chính của cuộc triển lãm là mang đến sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Sự khác biệt tạo ra tính kết nối, làm nên tính chất đặc biệt của nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển của các mối liên hệ với mỹ thuật và vượt ra ngoài mỹ thuật.

Người Đức lấy những vật liệu có sẵn trong tự nhiên để làm nên tác phẩm

          Triển lãm “Từ Đức tới Việt Nam – Đối thoại mỹ thuật” với các họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, Trần Thùy Linh, Hertha Miessner, Traude Linhardt và Susanne Wackerbauer, tại Nhà triển lãm TPHCM 92 Lê Thánh Tôn, Quận 1 từ ngày 21/6 đến hết ngày 28/6.

          Nguyễn Hiển

          Nguồn: http://www.petrotimes.vn/van-hoa-giai-tri/2012/06/viet-nam-doi-thoai-my-thuat-voi-duc



.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét