Cổ Thạch - Những ngày cuối năm 2011… Những bài học này không mới, đã đọc hoặc xem những ý tương tự từ hồi còn ở ghế nhà trường. Cũng đã và đang cố gắng áp dụng một cách tự nhiên như vốn là - hoặc ý thức trong những năm làm việc. Giờ nhìn lại, một chặng đường không phải là ngắn, nhưng chưa thật dài, bằng chứng là tóc vẫn còn một màu… chứ chưa nhiều màu :P. Việc cần làm thì còn rất nhiều…
Chiếc Cadillac cao cấp nhất: Một người giàu có ở vùng xa xôi mua chiếc xe Cadillac vốn được quảng cáo là có sức kéo bằng 200 mã lực. Ông ta làm mọi cách kéo đẩy mà chiếc xe vẫn không di chuyển. Tức mình, ông bèn cho 200 con ngựa kéo chiếc xe, nhưng nó vẫn không chạy nhanh như ý được. Ông ta bèn gọi cho hãng xe. Người của hãng ban đầu cũng không hiểu chuyện gì, đến nơi mới vỡ lẽ ra, bèn tra chiếc chìa khóa ông nhà giàu vẫn đang để yên trong xe để khởi động máy. Lúc này, chiếc xe chạy bon bon trên đường trước sự ngỡ ngàng và thích thú của ông nhà giàu. Bài học: mỗi người đều có tiềm năng riêng, nhưng đa số không biết tận dụng và để nó lãng phí theo thời gian.
Nghiêm túc và tỉ mỉ: Ba người đến xin làm công việc thâu tiền trong quán. Ông chủ đưa mỗi người tờ 10 đô và kêu đi mua đồ. Người thứ nhất cho rằng mình bị sai vặt, nên quyết định bỏ cuộc, ra về. Người thứ hai đi đến nơi mua hàng mới phát hiện tiền giả, nhưng vì muốn làm hài lòng ông chủ, nên bỏ tiền túi mua hết món đồ mang về. Người thứ ba cầm tiền, xem xét xong nói ngay với ông chủ rằng tờ bạc được đưa là giả. Ông chủ bèn mỉm cười và nhận người thứ ba vào làm việc. Bài học: chỉ khi nghiêm túc và tỉ mỉ, bạn mới có cơ hội thành công.
Viên đạn cuối cùng: Hai người bị lạc đường trong sa mạc, nước uống mang theo đã gần hết. Một người nói: "Bây giờ tôi đi tìm nước, anh ở đây giữ cây súng này, trong súng có hai viên đạn. Cách mỗi giờ đồng hồ, thì anh lại bắn một phát, để tôi nghe tiếng và định vị được hướng về". Nói rồi, anh ra đi. Người còn lại, sau một giờ đã bắn phát đầu tiên. Sau đó, anh chờ đợi bạn mình trong vô vọng. Anh buồn bã nghĩ: "Có lẽ anh ta đi lạc đường rồi, sẽ chẳng nghe được tiếng súng, cũng không có nước đem về đâu. Thôi thì, thay vì chết khô chết khát ở đây, mình tự kết liễu mình thôi". Rồi anh dí súng vào đầu, tự tử bằng phát súng còn lại. Không lâu sau đó, bạn anh lần theo tiếng súng, đi với một đoàn người anh gặp được trên đường và mang nước về. Nhưng những gì họ nhìn thấy lúc này, chỉ còn là một cái xác. Bài học: Đối với mỗi cá nhân, điều đáng sợ nhất không phải là khó khăn gian khổ, mà là sự suy sụp tinh thần khi phải đối mặt với nó.
Giữ vững lập trường: Một ông già buồn rầu vì suốt đời đã học hành rất nhiều, nhưng không được tiến cử làm quan. Ai hỏi thì ông than rằng: "Khi tôi còn trẻ, nhà vua thời ấy rất ưu đãi quan võ, nên tôi lo luyện tập võ nghệ cho tinh thông. Không may sau đó, nhà vua đột ngột băng hà, vua nối ngôi lại chuộng quan văn, nên tôi chuyển sang cất công dùi mài kinh sử. Đến lúc chuẩn bị thi cử, thì nhà vua hiện tại lên ngôi và lại chỉ tin dùng người trẻ. Lúc này, tôi đã già mất rồi". Bài học: nếu cứ thay đổi mục tiêu hay chí hướng, thì sẽ chẳng đạt được gì cả.
Đời người phải như nước: Nước có thể mềm dẻo, nhẫn nhịn uốn mình theo hình cái ly, cái bình hoa chứa nó. Nhưng khi cần thì nước cũng có thể nỗ lực chảy để bào mòn mặt đá. Bài học: cương nhu đúng lúc để vượt qua khó khăn và trưởng thành một cách lành mạnh.
Căn nhà cuối cùng: Một bác thợ nghèo nọ nói với ông chủ thầu về quyết định nghỉ hưu của mình. Ông chủ bèn năn nỉ bác xây thêm một căn nhà nữa. Vì nể tình chủ, bác thợ đồng ý. Nhưng trong khi xây, tâm trạng bác không còn tập trung cho căn nhà cuối cùng, nên việc xây dựng không được kỹ lưỡng như trước. Khi xây xong, ông chủ thầu đưa chìa khóa nhà cho bác thợ và nói: "Tôi tặng bác căn nhà này, xem như đây là món quà tôi tỏ lòng biết ơn vì sự tận tụy bao năm nay bác dành cho tôi". Bác thợ nghe xong, hết sức bất ngờ và cảm thấy xấu hổ về mình. Bài học: Bất kể làm nghề gì, bao lâu, cũng cần phải thực hiện tốt từ lúc khởi đầu cho đến lúc kết thúc. Đó không chỉ là yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp, mà còn thể hiện nhân cách của ta.
Cánh cổng to và nặng nhất: Nhà vua muốn tìm người tài giỏi để nắm giữ trọng trách của triều đình. Ông bèn tập trung các quan văn võ đến trước một cổng thành lớn và nói: "Trong số các khanh, nếu ai tay không mở được cổng này thì trọng trách của triều đình sẽ được giao cho người đó". Các quan nghe xong, nhìn vào chiếc cổng to lớn, chắc chắn, cửa khóa im ỉm trước mặt và lặng lẽ cúi đầu. Chỉ có vị quan nọ từ xa bước đến sát cạnh cánh cổng, sau một hồi quan sát, ông đưa tay đẩy nhẹ nó. Cánh cổng từ từ mở ra trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Thì ra, nó không hề được khóa chặt, mà chỉ cần một thao tác khéo léo, nhẹ nhàng là mở được. Lúc này, nhà vua mới nói: "Trọng trách của triều đình, xem như phải mời khanh đảm nhận. Vì khanh không những không bị giới hạn bởi những gì mình nhìn thấy và nghe thấy, mà trong lúc người khác thấy không có khả năng, khanh lại bình tĩnh quan sát, đồng thời dám mạo hiểm bước lên phía trước". Bài học: trong cuộc sống, sẽ luôn có nhiều chuyện trông thì có vẻ như không giải quyết được. Nhưng nếu chịu khó động não, can đảm mạo hiểm thử một lần, thì có thể khám phá được những cái mới cũng như thành công ngoài mong muốn.
Không phải chỉ nỗ lực là thành công: Anh tiều phu trẻ đốn cây mãi mà số cây đốn được vẫn thua bạn bè. Một hôm, mọi người mời anh về sớm đi dự tiệc, nhưng anh từ chối: "Tôi không đi được, tôi phải đốn hết chỗ cây này". Bác tiều phu già nhìn vào chiếc rìu của anh, thấy nó bấy lâu nay đã cùn, không còn sắc bén nữa. Bác bèn nói: "Anh nên dành thời gian để mài rìu hơn là cứ cố gắng đốn cây". Bài học: Muốn đánh trận thì phải biết sử dụng vũ khí. Để làm tốt một việc, phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để nâng cao kỹ xảo và khả năng, đồng thời có thời gian để làm những việc mình muốn làm mà chỉ cần tốn một phần sức, trong khi kết quả lại tốt hơn.
Con ốc mượn hồn khôn ngoan: Ốc mượn hồn giết chết ốc biển và chui vào trong vỏ ốc mà nó cướp được để sống. Trong vỏ ốc, còn có tiểu hải quỳ có nhiều gai, nhiều túi nang chứa chất độc, hễ gặp kẻ thù, nó lại xì chất độc ra. Ốc mượn hồn và hải quỳ vô cùng thân thiết với nhau. Ốc mượn hồn mang luôn thân hình khó di chuyển của hải quỳ. Khi kiếm ăn, nó cũng tìm thức ăn cho hải quỳ. Bộ dạng quái dị của hải quỳ giúp ốc mượn hồn dễ ẩn nấp hơn. Khi ốc lớn lên, nhà cũ không chứa nổi nữa, thì hải quỳ sẽ tiết ra một chất đặc biệt, giúp ốc mở to "nhà" ra. Cái vỏ ốc mà ốc mượn hồn cướp được từ ốc biển để làm nhà lánh nạn cho mình, hành vi đó tạo cho người ta cảm giác cường đạo. Nhưng xét ra, hành vi mượn vỏ để sống của ốc mượn hồn không thể không nói là thông minh được. Bài học: Người thông minh nhất không phải là người mạnh nhất, nhưng vì thông minh, nên có thể giúp mình dựa vào những sức mạnh bên ngoài để trở thành mạnh hơn và tiếp tục tồn tại. Nhỏ bé yếu ớt không phải là một khiếm khuyết, trí thông minh mới là tài sản quý.
Thời gian một phút: Một chàng trai trẻ rất khâm phục Benjamin và viết thư xin được gặp ông để học hỏi. Benjamin trả lời thư và hẹn chàng trai đến nhà mình. Khi anh đến, cửa phòng Benjamin mở ra, anh hết sức kinh ngạc vì thấy đồ đạc trong phòng rất ngổn ngang, bừa bộn. Benjamin nói: "Để tôi đóng cửa phòng lại, dọn dẹp trong một phút rồi sẽ mời anh vào". Sau một phút, cửa phòng lại mở, lần này chàng trai lại ngạc nhiên vô cùng vì thấy trong phòng gọn gàng tươm tất, còn có hai ly rượu được rót, mùi thơm bốc lên thoang thoảng. Lúc này, Benjamin nói: "Được rồi, bây giờ anh có thể ra về ". Chàng trai cảm thấy rất sốc, nhưng anh đã nhận ra điều Benjamin muốn nói với mình: "Tôi biết, ngài đã giúp tôi hiểu ra là một phút có thể làm nên rất nhiều việc, có thể thay đổi được rất nhiều điều". Bài học: Thời gian là vàng. Benjamin Franklin từng nói rằng: Thời gian là nguồn nguyên liệu tạo nên cuộc đời. Chỉ cần nắm bắt từng phút, cũng có nghĩa là bạn đã nắm bắt được cuộc đời của mình.
Không phạm sai lầm vốn là đã sai: Công ty nọ quyết định kết thúc hợp đồng với một nhân viên mẫn cán nhiều năm làm việc. Anh bèn gặp sếp để hỏi rõ lý do. Sếp nói: "Chúng tôi cần những nhân tài sáng tạo. Công ty rất hài lòng về trình độ học thức và sự rèn luyện của anh, nhưng lại không thể tiếp nhận cách anh làm việc. Chúng ta vốn ai cũng khó tránh khỏi mắc sai lầm. Người không mắc sai lầm chỉ có hai loại: loại thứ nhất, là không làm thì không sai, chỉ biết đi theo con đường người khác đã vạch sẵn, đã đi rồi, có sai thì người khác sai trước. Loại người này tuy không phạm sai lầm, nhưng cũng không tiến bộ được từ những lỗi lầm hay những lần mạo hiểm. Loại thứ hai, có sai nhưng giấu kỹ đi, còn nói là không sai. Bất kể loại người không phạm sai lầm nào đi nữa, cũng đều không phải loại người công ty cần'". Bài học: một người nếu có tinh thần sáng tạo và đổi mới, thì người đó chắc chắn không sợ mắc sai lầm. Một người có khả năng đưa ra nhiều phương hướng khả thi, đồng thời biểu hiện sự nhiệt tình và mối quan tâm của mình về điều đó, sẽ có một thái độ đúng đắn về sai lầm. Những người chưa làm đã sợ sai, sẽ luôn bỏ mất rất nhiều cơ hội tốt đẹp.
Vạch đường nước: Mọi người thấy vị võ sư gánh nước chỉ lưng chừng thùng. Một đệ tử thấy vậy, liền thử đi múc nước thật đầy và gánh đi. Chưa được mấy bước thì anh ngã nhào, nước đổ ra hết và lại còn bị đau chân. Vị võ sư lúc này mới chỉ mọi người xem vạch đường mực nước trong hai chiếc thùng của ông. Ông giải thích rằng chính vì giữ mực nước thấp nên mới gánh được xa và an toàn. Bài học: làm việc nên liệu sức mình, mục tiêu ban đầu càng thấp thì càng dễ thực hiện, lòng can đảm mới không bị tổn thương, giúp tăng thêm đam mê và nhiệt tình. Khi mọi thứ đi vào guồng máy, khả năng sẽ cao hơn, lúc đó sẽ làm được nhiều điều và vững chải hơn.
Tôn trọng người có kinh nghiệm: Một anh tiến sĩ được phân công vào viện nghiên cứu và trở thành người có học vị cao nhất làm việc ở đó. Một hôm, anh thấy sếp mình (bằng cấp cử nhân) băng qua ao câu cá bằng cách... lướt như "phi thân" trên mặt nước. Anh kinh ngạc nhưng vì sĩ diện nên không hỏi. Rồi anh cũng thử "phi thân" lướt qua ao cá, và ngay lập tức rơi tõm xuống nước. Sếp phải cứu anh lên, giải thích rằng: ao có hai hàng cọc, do trời mưa nên nó bị nước ngập. Ông biết rõ vị trí cái cọc nên mới qua được. Bài học: hãy tôn trọng và biết học hỏi từ người có kinh nghiệm, bạn sẽ tránh được cho mình nhiều rắc rối.
Nhà thơ trẻ: Được Thầy nhận ra tiềm năng và tiến cử, anh nghĩ mình đã là một nhà thơ lớn và tuyên bố sẽ ra một tập sử thi dài chứ không chỉ vài bài thơ trữ tình. Nhưng sau đó, anh trở nên chán chường và thú nhận tập sử thi ấy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Mỗi khi ngồi vào viết, anh thấy đầu óc trống rỗng nên chẳng viết được gì. Bài học: Anh đã lãng phí tài hoa, để cho thất vọng gặm nhấm vì ước mong những thứ quá cao siêu mà không đối mặt với cuộc sống và thiếu hành động thiết thực.
Học cưỡi ngựa: Vương Tử Kỳ (VTK) dạy Triệu Tương Vương (TTV) cách cưỡi ngựa. Sau đó, hai người thi nhau đua ngựa, thi 3 lần thì cả 3 lần TTV đều thua. TTV trách VTK không truyền hết mọi bí kíp. VTK trả lời rằng đã hướng dẫn hết mọi thứ, chỉ là nhà vua không biết cách áp dụng. Điều quan trọng là phải làm sao cho ngựa thật thoải mái, khi cưỡi phải tập trung trí lực để phối hợp nhịp nhàng với vận động của ngựa. Trong khi đó, nhà vua chỉ chăm chăm muốn vượt lên, vượt được rồi thì lại sợ bị VTK đuổi kịp. TTV chỉ nghĩ làm sao để thắng VTK, thì đâu còn tâm trí để quan tâm đến ngựa nữa! Bài học: đừng vì những mối lợi nhỏ mà quên đi mục tiêu chính đi đến thành công.
Chỉ có hải âu mới bay vượt biển lớn: Một cậu bé hỏi mẹ tại sao dù đã rất nỗ lực, kết quả học tập của cậu cũng chỉ tiến bộ chứ không giỏi như bạn bè. Bà mẹ mãi vẫn chưa tìm ra câu trả lời, vì bà không muốn nói cho con trai biết là trí tuệ mỗi người đều khác nhau. Bà cũng không muốn lặp lại điều mà hàng triệu bậc cha mẹ thường hay nói với con mình để né tránh vấn đề: con quá ham chơi, chưa chuyên cần... Một hôm, bà đưa cậu bé ra biển chơi và tình cờ tìm thấy câu trả lời. Bà chỉ ra mặt biển, nói với con: "Con xem, khi sóng đánh vào bờ, những con chim sẻ bay lên nhanh nhất, chỉ cần vỗ cánh là đã bay lên không trung; còn những con hải âu thì khá nặng, chúng phải mất một thời gian lâu mới bay lên được. Tuy nhiên, loài chim bay vượt đại dương thật sự chỉ có hải âu mà thôi". Bài học: Trong quá trình con người trưởng thành, tốc độ là nhân tố góp phần đi đến thành công. Thế nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì và bền chí. Thời gian trước hay sau không quan trọng bằng mình có đủ nghị lực để theo đuổi mục tiêu đến cùng hay không. Giữ mãi vị trí số một là điều tốt, nhưng mỗi ngày một tiến bộ mới càng đáng quý hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét