“Weeping Woman” Pablo Picasso |
Về nghệ thuật và sự cảm thụ của công chúng
Phải đánh thức người ta dậy. Phải đập nát cái cách họ định tính mọi sự. Phải sáng tạo những hình ảnh họ không chấp nhận.
Trích từ André Malraux, LA TÊTE D’OBSIDIENNE (Paris: Gallimard, 1974).
Mỗi bức tranh, mỗi tiết tấu, mỗi màu sắc là một cuộc chiến đấu.
Một cuộc chiến đấu chống lại chính mình, chống lại hội hoạ.
Trích từ Claude Thibault, PICASSO – GAUGUIN: CITATIONS ET MAXIMES SUR L’ART, L’OEUVRE, L’ARTISTE
(Paris: Éditions Résidence, 1999).
Tại sao ông vẽ theo một cách mà sự diễn tả của ông quá khó cho công chúng hiểu?
Tôi vẽ cách này vì nó là kết quả của những ý tưởng của tôi. Tôi đã làm việc nhiều năm để đạt đến đó, và nếu tôi bước lùi một bước, thì điều đó chắc hẳn sẽ là một sự xúc phạm đến công chúng vì đó là kết quả của sự phản tỉnh của tôi. Tôi không thể dùng một phương pháp thông thường chỉ vì muốn hưởng sự thoả mãn khi được người ta hiểu.
Trích từ bài phỏng vấn của Jérôme Slecker, "Picasso explains", trong NEW MASSES (New York, 13 March 1945).
In lại trong Picasso, PROPOS SUR L’ART, Marie-Laure Bernadac & Androula Michael biên tập
(Paris: Gallimard, 1998).
Công chúng không phải lúc nào cũng hiểu nghệ thuật hiện đại. Đó là một điều có thật, nhưng đó là vì họ chưa từng được học bất kỳ thứ gì về hội hoạ. Họ được học đọc và viết, vẽ nét và hát ca, nhưng làm thế nào để xem một bức tranh thì họ chưa từng lưu tâm đến. Chắc hẳn là có một thứ thi ca của màu sắc, một đời sống của đường nét hay tiết tấu — những vần điệu bằng vật liệu tạo hình — nhưng điều này đã hoàn toàn không được lưu tâm đến.
Trích từ Anatole Jakovski, "Midis avec Picasso", trong ARTS DE FRANCE (Paris, Juin 1946).
In lại trong Picasso, PROPOS SUR L’ART, Marie-Laure Bernadac & Androula Michael biên tập
(Paris: Gallimard, 1998).
Ai cũng muốn hiểu hội hoạ.
Tại sao không cố gắng hiểu những bài ca của một con chim? Tại sao người ta yêu đêm tối, những chiếc hoa, mọi thứ chung quanh họ, mà không cố gắng hiểu chúng?
Nhưng trong trường hợp của hội hoạ thì người ta lại phải hiểu.
Trích từ Christian Zervos, "Conversation avec Picasso", CAHIER D’ART 7/10 (Paris, 1935) 178.
Tôi cảm thấy kinh khủng trước những người nói về cái đẹp. Cái đẹp là cái gì? Người ta phải nói về những vấn đề trong hội hoạ! Những bức tranh chỉ là sự nghiên cứu và thí nghiệm.
Trích từ Alexander Liberman, "Picasso", VOGUE (New York, November 1956).
Nếu tôi vẽ một cái hình búa và liềm, thì có lẽ người ta tưởng nó là một biểu tượng của chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng đối với tôi nó chỉ là một cái búa và một cái liềm. Tôi chỉ muốn tái hiện những vật thể như chính hình dạng của chúng, chứ không cần biết chúng có ý nghĩa gì.
Trích từ bài phỏng vấn của Jérôme Slecker, "Picasso explains", trong NEW MASSES (New York, 13 March 1945).
In lại trong Picasso, PROPOS SUR L’ART, Marie-Laure Bernadac & Androula Michael biên tập
(Paris: Gallimard, 1998).
Sự thành công thì nguy hiểm.
Người ta bắt đầu sao chép chính mình, và sao chép chính mình thì nguy hiểm hơn sao chép những kẻ khác.
Điều này dẫn đến sự tuyệt sản.
Trích từ Alexander Liberman, "Picasso", VOGUE (New York, November 1956)
Về hội hoạ và ý thức sáng tạo
Phải luôn luôn tìm kiếm sự hoàn hảo... Đối với tôi, điều đó có nghĩa là luôn luôn đi xa hơn và xa hơn nữa từ một tấm bố vẽ này đến một tấm bố vẽ khác.
Trích từ Gilberte Brassaï, CONVERSATIONS AVEC PICASSO (Paris: Gallimard, 1964).
Khi tôi đọc một cuốn sách về vật lý học của Eisntein mà tôi không hiểu gì cả, thì điều đó chẳng thành vấn đề: nó sẽ khiến tôi hiểu một điều gì khác.
Trích từ Claude Roy, “Picasso: War and Peace”, GRAPHIS No.10 (1959).
Không có bất cứ nghệ thuật nào “có hình thể” hay “không có hình thể”. Mọi sự đều xuất hiện trước mắt chúng ta dưới cái vỏ của một “hình thể”. Ngay cả trong siêu hình học, những ý tưởng cũng được diễn tả qua phương tiện của những “hình thể” mang tính tượng trưng. Vì thế, quả thật là đáng tức cười khi nghĩ đến hội hoạ không có “hình thể”. Một người, một vật, một cái vòng tròn thì đều là những “hình thể”; chúng tác động đến chúng ta mạnh hơn hay nhẹ hơn mà thôi.
Trích từ Christian Zervos, “Conversation avec Picasso”, CAHIER D’ART 7/10 (Paris, 1935).
Không có nghệ thuật trừu tượng. Bạn phải luôn luôn bắt đầu với một cái gì. Sau đó, bạn có thể gạt bỏ tất cả những dấu vết của hiện thực.
Trích từ Christian Zervos, “Conversation avec Picasso”, CAHIER D’ART 7/10 (Paris, 1935).
Bức tranh không được nghĩ ra và xếp đặt trước trong đầu. Trong khi bạn sáng tạo nó, nó hiện ra theo tiến trình ý tưởng của bạn. Một khi đã hoàn tất, nó thay đổi còn nhiều hơn nữa, tuỳ theo tâm thái của người xem. Một bức tranh sống cuộc đời của nó như một hiện thể sống, trải qua những sự thay đổi mà cuộc sống hàng ngày mang đến cho nó.
Điều này hoàn toàn tự nhiên vì một bức tranh chỉ có thể sống khi một con người nhìn vào nó.
Trích từ Christian Zervos, “Conversation avec Picasso”, CAHIER D’ART 7/10 (Paris, 1935).
Đối với tôi, mỗi bức tranh là một bài nghiên cứu. Tôi tự nhủ, một ngày nào đó tôi sẽ hoàn tất nó; tôi sẽ làm một cái gì đó tuyệt đối hoàn hảo. Nhưng khi tôi bắt đầu hoàn tất nó, nó lại trở thành một bức tranh khác và tôi nghĩ tôi sẽ vẽ nó lại một lần nữa.
Rốt cuộc, nó vẫn luôn luôn là một cái gì khác. Nếu tôi nhuận sắc nó, thì tôi lại vẽ một bức tranh mới.
Trích từ Alexander Liberman, “Picasso”, VOGUE (New York, November 1956).
Tôi không bao giờ vẽ một bức tranh như một tác phẩm nghệ thuật. Nó luôn luôn là một sự truy tầm. Tôi vẫn đang luôn luôn tìm kiếm, và có một mối liên hệ logic xuyên suốt cuộc tìm kiếm ấy. Đó là lý do tại sao tôi đánh số những bức tranh. Tôi đánh số và ghi ngày.
Có lẽ một ngày nào đó sẽ có người cảm ơn tôi về điều này.
Trích từ Alexander Liberman, “Picasso”, VOGUE (New York, November 1956).
Một hoạ sĩ sao chép một cái cây thì con mắt không thấy hiện thực. Tôi thấy mọi sự một cách khác. Một cây chà là có thể biến thành một con ngựa.
Trích từ Roland Penrose, PICASSO: HIS LIFE AND WORK (Berkeley: University of California Press, 1981).
Tôi vẽ giống như cách người ta viết tự truyện. Những tấm bố, được vẽ xong hay còn dang dở, đều là những trang nhật ký của tôi.
Trích từ Françoise Gilot & Carlton Lake, VIVRE AVEC PICASSO (Paris: Calmann-Lévy, 1965).
Mọi điều thú vị trong nghệ thuật thì ở lớp vỏ bên ngoài. Sau lớp vỏ bên ngoài, thì đã là sự kết thúc.
Trích từ Efstratios Tériade, "En causant avec Picasso", L'INTRANSIGEANT (Paris, 15 Juin 1932).
In lại trong Picasso, PROPOS SUR L’ART, Marie-Laure Bernadac & Androula Michael biên tập
(Paris: Gallimard, 1998)
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
Nguồn: tienve.org
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét